Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

VÀI NÉT TỔNG QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT XÃ THẠCH KHÊ - HUYỆN THẠCH HÀ - TỈNH HÀ TĨNH

     Xã Thạch Khê còn có tên gọi là Long Phúc (có nghĩa là bụng rồng) hay còn gọi là Kẻ Phôốc. Về sau do hoàn cảnh lich sử và kỵ húy nên địa danh Long Phúc lần lượt thay đổi, năm Nhâm Tý (1792) đổi là Long Phú, năm Nhâm Tuất (1802) đổi là Phong Phú. Sau cách mạng tháng 8/1945 đổi tên là Long Tường và hiện nay là xã Thạch Khê. Truyền thuyết dân gian kể rằng có một con rồng biển khi bay qua vùng đất này vì bay quá thấp nên bụng rồng chạm phải mặt đất xoáy thành một vũng sâu gọi là "vũng bụng rồng" hay "vũng Phôốc". Xưa kia nơi đây rất hoang vu cư dân còn thưa thớt, thế kỷ X khi vua Lê Đại Hành cử Phụ quốc Ngô Tử An vào mở đường bộ từ núi Nam giới đến châu Địa Lý (thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay) mới có một ít cư dân vào khai phá nhưng vùng đất này vẫn chưa phải là đơn vị hành chính. Đến thế ký XI, Hoàng tử Lý Nhật Quang vào trấn nhậm xứ Nghệ thì cư dân mới vào đây định cư khai phá đất đai lập nên làng mạc ven biển làm cho Long Phúc trở thành đất văn vật với câu thơ nổi tiếng:
                                        Đất đã nên đất thủy tụ long hồi
                                    Người lại nên người nam thanh nữ tú
     Các dòng họ quy tụ đến Long Phúc dù có khác nhau về hoàn cảnh xuất xứ nhưng với khát vọng cùng chung sức gắn bó, khai phá phá ruộng nương, bảo vệ quê hương đất nước. Suốt thời kỳ phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn, Long Phúc là một trong những làng phồn thịnh ở Xứ Nghệ, ở vùng đất này từng có cao khoa hiển hoạn, văn thần võ tướng, vương phi. Những cự tộc nổi tiếng về học hành khoa cử có họ Nguyễn Tôn , Trương Đăng, Trương Quốc, họ Lại Thế, Dương Đình với những con người đã làm rạng danh đất Long Phúc như Nguyễn Tôn Tây đỗ tam giáp tiến sĩ, Trương Quốc Kỳ đỗ hương cống là thầy dạy học của thái tử Lê Duy Vĩ, ông còn là một nhà dịch học và thiên văn, Trương Quốc Dụng nhà sử học, nhà thiên văn học nổi tiếng, ngoài ra còn có Bùi Thố một nhà khoa bảng có nhân cách lớn, ông có năm người con tham gia phong trào Cần Vương. Về võ tướng có Lệ Quận Công, Nguyễn Quận Công, Trạc Quận Công, Tài Quận Công đều là cháu của bà Phi Trần Thị Ngọc (vợ chúa Trịnh Kiểm) riêng họ Dương đã có tới 26 võ quan cao cấp dưới thời Lê-Trịnh.
     Làng Long Phúc còn là một vùng văn nghệ dân gian phong phú, ở đây có đủ loại thơ ca dân gian, hò vè, ví dặm, diễn Kiều, hát đối đáp, truyện kể dân gian cũng mang đậm sắc thái địa phương như truyện thần Hổ, truyện Vũng Phôốc, truyện thần Tam Lang,v.v. Sau cách mạng tháng 8, đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, dòng văn nghệ bình dân ở đây phát triển rất sôi nổi, tiêu biểu là tiếng hò Nam Khê "đánh trống khắc chang" một thời được hoan nghênh đã góp phần to lớn động viên tinh thần của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
     Với những giá trị lịch sử và nét văn hóa đặc sắc được lưu giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng làng xã đã trở thành động lực mạnh mẽ, hình thành, nuôi dưỡng nên các bậc anh tài mà cuộc đời và sự nghiệp của họ đã làm rạng danh dòng họ và quê hương đất nước.
Xã Thạch Khê có 6 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là đền thờ Trương Quốc Dụng và 5 di tích cấp tỉnh là thành hoàng làng Nguyễn Hữu Ngân (dân thường gọi là Nguyễn Đại Lang) và Đồng Văn Năng, nhà thờ họ Dương và Hoàng Quốc Trướng, chùa Phúc Linh.
     Bên cạnh dòng văn nghệ hò Nam Khê đang được giữ gìn và phát triển, những cây bút thơ qua các thời kỳ có nhiều tuyệt phẩm đi vào lòng người quê. Ban biên soạn chúng tôi xin được giới thiệu thơ của các tác giả từ thời kháng chiến chống Pháp đên nay trên trang thơ người Thạch Khê. Kính mong bạn đọc góp ý và giúp đỡ.
     Ban biên soạn xin thông báo với những người con Thạch Khê đang sống và làm việc trên mọi miền có thơ xin gửi về theo địa chỉ: http://thoxuanlong.blogspot.com/ hoặc xuanlong48@gmail.com
Chúng tôi nhận tất cả các thể loại thơ, chủ yếu là thơ mới, thơ tự do, thơ lục bát (không nhận trường ca).
     Bài gửi về được tuyển chọn sẽ đăng lên trang thơ. Bài gửi về trước ngày 30/4 âm lịch (tức ngày 13/6/2018 dương lịch) in vào quyển I thơ Thạch Khê.
     Sau ngày 30/4 trang thơ vẫn chọn đăng bài cho những tuyển tập sau.
                                                                      Thay mặt ban biên soạn
                                                                        Nguyễn Xuân Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét